Luật Bóng Đá 5 người | Luật 1: Sân thi đấu

Dựa trên Quyết định ban hành Luật Bóng đá 5 người của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy Ban Thể Dục Thể Thao được áp dụng trong các cuộc thi Bóng đá 5 người toàn quốc và thi đấu Quốc tế tại Việt Nam


Với 15 quy tắc chính, luật thi đấu bóng đá 5 người cung cấp các hướng dẫn chi tiết khía cạnh thi đấu, bao gồm quy định kích thước sân, bóng thi đấu, trang phục cầu thủ và luật thay người, cũng như vai trò của người chơi, người giữ thời gian và trọng tài thứ ba, cùng với trách nhiệm của họ.  


Các quy định về thời gian thi đấu, khởi động lại trận đấu, vi phạm, phạt đền, ném biên, phát bóng từ khung thành và đá góc cũng được mô tả, đồng thời giải thích quy trình của loạt sút phạt 6 mét để xác định người chiến thắng trong các trận đấu.

--------------------------------------------------

Luật 1 - Quy định sân bóng đá 5 người
Luật 2 - Quy định về Quả Bóng
Luật 3 - Số lượng cầu thủ thi đấu
Luật 4 - Trang phục cầu thủ
Luật 5 - Trọng tài chính và trọng tài thứ 2 trong trận đấu
Luật 6 - Thư ký bấm giờ và trọng tài thứ 3
Luật 7 - Thời gian thi đấu
Luật 8 - Bắt đầu và bắt đầu lại trận đấu
Luật 9 - Bàn thắng hợp lệ
Luật 10 - Lỗi và hành vi thiếu đạo đức
Luật 11 - Quy định chung về đá phạt 
Luật 12 - Đá phạt đền
Luật 13 - Đá phạt biên
Luật 14 - Phạt ném phát bóng
Luật 15 - Quả phạt góc

--------------------------------------------------

LUẬT 1 - QUY ĐỊNH SÂN BÓNG ĐÁ 5 NGƯỜI


Sân thi đấu bóng đá 5 người là một mô hình thi đấu bóng đá nhỏ gọn nhưng hấp dẫn, thu hút, thử thách người chơi. Với không gian nhỏ hẹp, trận đấu diễn ra nhanh chóng, kịch tính và mang đến những trải nghiệm đáng nhớ cho cả người chơi lẫn khán giả. 


Những đặc điểm của sân bóng đá 5 người như sau:

 

 

1. Kích thước:

Sân hình chữ nhật, chiều dọc tối đa 42m và tối thiểu 25m, chiều ngang tối đa 25m và tối thiểu 15m. Trong mọi trường hợp chiều dọc sân phải lớn hơn chiều ngang sân.

2. Các đường giới hạn:

Các đường giới hạn trên sân phải kẻ rõ ràng có bề rộng 8cm. Đường giới hạn theo chiều dọc sân gọi là đường biên dọc và đường giới hạn theo chiều ngang sân gọi là đường biên ngang.


Đường giới hạn nửa sân được kẻ theo suốt chiều ngang của sân. Ở chính giữa đường giới hạn này có một điểm rõ ràng gọi là tâm của sân. Lấy điểm này làm tâm, kẻ một vòng tròn có bán kính 3m.

3. Khu phạt đền:

Từ biên ngang của mỗi phần sân, lấy chân 2 cột dọc cầu môn làm tâm kẻ vào trong sân ¼ đường tròn có bán kính 6m, nối điểm cuối của 2 cung 1/4 đường tròn được đoạn thẳng dài 3,16m song song và cách đều đường biên ngang (đường cầu môn) 6m. Khu vực trong giới hạn bởi những đường kẻ đó gọi là khu phạt đền. Đường giới hạn này gọi là đường 6m.

4. Điểm phạt đền thứ nhất:

Trên đường 6m và ở giữa đoạn thẳng 3,16m có một điểm rõ ràng. Đó là điểm phạt đền thứ nhất.

5. Điểm phạt đền thứ hai:

Trên đường thẳng góc với biên ngang ở vị trí cách biên ngang 10m có một điểm rõ ràng. Đó là điểm phạt đền thứ hai.

6. Cung đá phạt góc:

  • Lấy tâm là giao điểm của biên dọc và biên ngang của mỗi góc sân, kẻ phía trong sân ¼ đường tròn có bán kính 25cm. Đây là vị trí đặt bóng khi đá quả phạt góc.
  • Có thể kẻ phía ngoài sân một đoạn thẳng vuông góc với đường biên ngang cách điểm góc sân 5m để xác định vị trí đứng của cầu thủ đội phòng thủ khi đối phương thực hiện quả phạt góc.

7. Khu vực thay cầu thủ dự bị của mỗi đội bóng:

Trên đường biên dọc phía đặt ghế ngồi của cầu thủ dự bị, mỗi đội bóng có khu vực thay đổi cầu thủ dự bị của đội mình. Khu vực này nằm trên đường biên dọc có độ dài 5m, cách đường giới hạn nửa sân 5m, được xác định bởi 2 đoạn thẳng vuông góc với đường biên dọc và có độ dài 80cm (40cm ở phía trong và 40cm ở phíangoài sân). Khi thay người, các cầu thủ phải ra, vào trong khu vực thay người của đội mình.


Ghi chú: Trong giờ nghỉ giữa 2 hiệp, khu vực thay người của 2 đội sẽ hoán đổi để việc thay người của đội bóng được thuận lợi.

8. Khung cầu môn:

Ở giữa mỗi đường biên ngang có một khung cầu môn, gồm hai cột dọc vuông góc với mặt sân, cách nhau 3m (tính từ mép trong) được nối với nhau bằng xà ngang song song và cách mặt sân 2m (tính từ mép dưới xà). Bề rộng và bề dày của cột dọc, xà ngang phải cùng kích thước là 8cm.


Khung cầu môn có thể tháo rời được, nhưng trước trận đấu phải lắp đặt chặt chẽ, an toàn và gắn cố định xuống mặt sân. Lưới phải có khung đỡ thích hợp phía sau cầu môn và được mắc chắc chắn vào xà ngang, cột dọc và mặt sân

 

9. Mặt sân:

Mặt sân phải bằng phẳng và không thô nhám. Khuyến khích nên dùng mặt sân lát gỗ hoặc phủ chất liệu. Không được dùng mặt sân bằng bê tông hoặc tráng nhựa đường.


Ghi chú: Lưới cầu môn phải làm bằng sợi vải, sợi đay hoặc dây nilon. Tuy nhiên những sợi nilon không được nhỏ hơn sợi vải, sợi đay.

  1. Trong những trận đấu quốc tế, kích thước của sân phải là: chiều dọc 38 - 42m và chiều ngang là: 18 - 22m.
  2. Trong trường hợp đường biên ngang có kích thước: 15m đến 16m thì bán kính của cung1/4 vòng tròn phải là 4m. Nhưng điểm phạt đền thứ nhất vẫn cách xa điểm giữa của đường cầu môn 6m.
  3. Trong những trận đấu giữa các câu lạc bộ có thể dùng mặt sân bằng cỏ tự nhiên, cỏ nhân tạo hoặc bằng đất nhưng không được dùng trong những trận đấu quốc tế